Monday 19 September 2016

VIỄN TƯỢNG ĐEN TỐI BAO TRÙM KHẮP HÀNH TINH (Nguyễn Trần Sâm)




19/09/2016

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà tiên tri cũng như các văn bản tôn giáo cách đây hàng trăm năm đã tiên đoán về ngày tận thế hoặc những thảm họa khủng khiếp xảy ra vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Mặc dù có những chi tiết sai, nhưng có vẻ như những lời tiên tri đó là sự cảnh báo mà loài người không được phép bỏ qua. Trên thực tế, những sự kiện lớn ở Việt Nam và trên thế giới xảy ra trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2016 này, làm những người thường xuyên theo dõi tình hình khó có thể lạc quan về tương lai của nhân loại.

Còn nhớ, vào đầu thập niên 1960, ở Việt Nam xuất hiện bản dịch một cuốn sách nước ngoài với tiêu đề “Thế kỷ hai mốt”. Tôi không nhớ tên tác giả là gì, chỉ nhớ nội dung nói về những thành tựu to lớn mà khoa học và kỹ thuật đem lại cho loài người. Cộng với sự lạc quan kiểu cộng sản thời đó, tác giả cuốn sách vẽ ra cuộc sống của con người trên Trái Đất đúng như ở thiên đường. Mọi việc đều có máy móc tự động làm. Con người chủ yếu chỉ bấm vài cái nút rồi ngồi hưởng thụ mọi khoái lạc. Mọi người ở mọi nơi đều như vậy, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Xã hội thì gồm toàn những con người thông minh, nhân ái,… Tóm lại là thực hiện được lý tưởng của các vị như K. Marx, F. Engels, V. Lenin,…

Đến nay thì gần 16 năm của thế kỷ XXI đã trôi qua. Và hãy thử nhìn lại xem loài người đã đạt được những gì? Cuộc sống của hàng tỉ người bây giờ ra sao?

Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, loài người quả là đã tiến những bước dài mà ngay cả người viết “Thế kỷ hai mốt” chắc cũng không tưởng tượng ra. Những chiếc máy tính có thể thực hiện hàng tỉ phép tính trong một giây; những chiếc điện thoại thông minh có thể tham gia tạo ra môi trường tương tác, điều khiển công việc kinh doanh; những con robot biết nghe, nói và làm rất nhiều việc theo lệnh của con người hoặc tự “xử thế” trong những tình huống khác nhau. Kỹ nghệ gène có thể “nhân bản” động vật, kể cả con người, hoặc tạo ra những giống loài sinh vật mới, thậm chí tạo ra cá thể lai giữa động vật và thực vật. Lĩnh vực liên ngành lý-hóa có thể làm ra những vật liệu nano có tính năng giống như những bộ phận của cơ thể sống. Thời gian gần đây, người ta còn đang thay thế dần các bộ phận của cơ thể con người, kể cả các phần của hệ thần kinh trung ương, bằng những con chip, nghĩa là tạo ra sự lai ghép giữa cơ thể sinh học và máy móc, vân vân và vân vân. Những thành tựu thực sự vĩ đại đó nhiều đến mức không ai có thể biết hết.

Nếu có một “người ngoài hành tinh” không biết đến sự đốn mạt của loài người, thì khi nhìn vào những thành tựu đó, “người” này sẽ cho rằng hơn 7 tỉ người trên Trái Đất đang sống vô cùng hạnh phúc.

Nhưng than ôi, những thành tựu khoa học – công nghệ đó, mặc dù đã làm bộ mặt Trái Đất hoàn toàn thay đổi, nhưng không đem lại hạnh phúc cho toàn thể hay đa số nhân loại! Số người đói ăn và không bao giờ dám mơ đến bất kỳ một thiết bị kỹ thuật nào vẫn còn đến hàng trăm triệu. Với những con người này thì tiến bộ kỹ thuật càng làm họ khốn đốn thêm, vì nó giúp những người làm chủ được sự tiến bộ đó thu hút tiền của về mình. Chiến tranh và các kiểu tàn sát lẫn nhau nói chung vẫn đang đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh chết chóc, nhà tan cửa nát, và nếu sống sót qua bom đạn thì lại chết vì đói khát, bệnh tật hoặc sống lắt lay trong tâm trạng hoảng loạn, đau đớn. Ngay cả những kẻ lắm quyền, nhiều tiền, có được quyền và tiền do lừa lọc, cướp bóc, đẩy những người khác vào cảnh bần hàn, cũng không có được cuộc sống yên lành. Chúng chết hoặc chịu khốn khổ vì mưu hại nhau, nhân danh công lý để tiêu diệt nhau. Chúng thanh toán nhau có thể vì mục tiêu chấn chỉnh nội bộ để duy trì quyền thống trị lâu dài, cũng có thể do mâu thuẫn cá nhân vì quyền lợi.

Ngay cả ở một vùng đất mà ít nhất 70 năm qua là nơi có cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, xã hội văn minh, môi trường trong lành như Tây Âu, những thành tựu của bao năm kiến tạo và xây dựng cũng đang bị đe dọa, nếu không phải là xóa sổ thì ít nhất cũng gây xáo trộn và tổn hại.

Vì sao đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào chắc chắn để chứng tỏ loài người có thể thoát khỏi những bi kịch, thậm chí còn có những dấu hiệu ngược lại, cho thấy dường như loài sinh vật này không bao giờ thoát khỏi thảm họa, thậm chí có thể còn đang đi đến bờ vực diệt vong?
Tất cả đều do lòng tham, sự vô minh và điên loạn.

Đáng sợ nhất là lòng tham. Tham ăn, tham tiền, ham muốn quyền lực,… Những thứ ham muốn đó dẫn đến những hành vi chiếm đoạt, đẩy hàng ngàn, hàng triệu người khác vào cảnh bần cùng. Lòng tham làm cho giới chủ bóc lột thậm tệ người lao động. Lòng tham làm cho những doanh nhân triển khai những dự án đầu tư, xây dựng bất chấp việc môi trường bị hủy hoại. Lòng tham làm cho giới kinh doanh ở những cường quốc văn minh gây sức ép với chính phủ để mở ra những mối quan hệ làm ăn với các quốc gia độc tài, giúp duy trì những chế độ phản động thối nát. Lòng tham làm cho quan chức sẵn sàng hút máu dân không thương tiếc. Ham muốn quyền lực làm kẻ cầm quyền tìm mọi cách duy trì hệ thống cai trị, bất kể việc cái hệ thống đó tàn phá đất nước, đẩy nhân dân đến cảnh lầm than.

Trong cuộc sống, ta thấy những người học hành nghiêm chỉnh thường biết điều hơn trong cư xử với người chung quanh. Từ đó sinh ra một nhận định, cho rằng học nhiều sẽ làm người ta tốt lên. Có thể thông thường là như vậy. Nhưng đáng tiếc là trên thế giới này có khá nhiều những kẻ rất giỏi giang về một lĩnh vực tri thức nào đó nhưng vẫn là kẻ điên loạn. Có những kẻ học tin để làm tin tặc phá phách trên mạng, tìm mọi cách rút tiền của người khác từ ngân hàng. Có những kẻ bỏ ra nhiều năm học làm vũ khí, để sau đó chỉ đơn giản giết người, càng nhiều càng tốt. Rõ ràng, khó có thể hy vọng rằng khoa học, kỹ thuật phát triển thì loài người ngày càng tốt lên, và đến một ngày nào đó sẽ có cái gọi là “tứ hải giai huynh đệ”.
Hãy điểm lại tình hình ở một số quốc gia và khu vực để có thể tiên lượng thế giới sẽ đi về đâu.

Trước hết là gã láng giềng khổng lồ phương Bắc. Một nước độc đảng với chính quyền sẵn sàng tàn sát hàng triệu người để giữ quyền thống trị. Kinh tế phát triển khá nhanh nhưng chứa đựng những yếu tố giả tạo, có nhiều nguy cơ sụp đổ dẫn đến hỗn loạn. Đời sống của dân khá thấp. Bất mãn tràn lan. Rừng bị chặt trụi, môi trường khắp nơi nhiễm độc. Chính quyền hiếu chiến, dễ gây chiến với các lân bang. Nó chính là một trong những thế lực sẵn sàng đẩy cả nhân loại vào thảm họa.

Xa hơn chút nữa là Triều Tiên. Hàng chục triệu người không biết làm gì để thoát khỏi nanh vuốt của một kẻ điên loạn. Dân đói rã họng, nhưng thằng điên vẫn huy động mọi nguồn lực làm bom hạt nhân để đe dọa các nước. Nếu thế giới này không chặn được bàn tay của kẻ điên này thì sẽ có ngày hứng chịu hậu quả.

Nhìn sang anh Nga La Tư. Một chính thể về hình thức là đa đảng nhưng thực chất mọi quyền lực nằm trong tay một nhóm người được cầm đầu bởi Putin, một kẻ sẵn sàng thanh toán mọi nhân vật có ít nhiều uy tín chính trị và dám thách thức quyền lực của ông ta. Tham vọng thao túng tất cả các nước từng thuộc Liên bang Xô-viết, một tham vọng thừa kế từ các lãnh đạo Liên Xô và các Sa hoàng, đã làm cho nhiều nước “đàn em” này xa lánh, hướng sang phương Tây tìm chỗ dựa tử tế hơn, nếu có thể thoát khỏi vòng tay lông lá của “ông anh”. Điều này làm cho Putin rất điên tiết và sẵn sàng ra tay “trừng phạt”, như đã làm với Gruzia và Ukraina. Với một nền kinh tế què quặt, chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô và khí đốt, nước này đang lâm vào tình thế rất khó khăn do giá dầu giảm và bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây thực hiện. Tuy nhiên, Nga có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà khi Putin cảm thấy không còn gì để mất thì rất có thể đó là tai họa cho nhân loại. Ngoài ra, với tham vọng bành trướng và nhu cầu bán vũ khí, trong những thập niên qua Nga cũng đã cố tình gây rối tại một số nơi trên thế giới và ra sức bảo vệ những chính thể độc tài.

Phía tây-nam nước Nga là khu vực Cận Đông với những lò lửa cháy suốt nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ. Mâu thuẫn giữa Israel với thế giới A Rập, nội chiến ở Yemen, Syria,… không những gây ra thảm cảnh ở những nơi này mà còn gây bất ổn cho toàn thế giới. Đặc biệt, các tổ chức khủng bố dã man nhất trong lịch sử loài người luôn có nơi ẩn náu tại đây và luôn là mối đe dọa đối với văn minh nhân loại.

Sát khu vực Cận Đông là châu Âu. Như đã nói trên, khu vực văn minh thịnh vượng này đang phải chịu những bất ổn nghiêm trọng do nạn khủng bố gây ra, nhất là từ khi dòng người nhập cư từ Cận Đông đổ vào châu lục này như thác lũ. Với vai trò là một trong những thế lực lớn giúp duy trì sự ổn định của thế giới, rất tiếc là châu Âu đang yếu đi do sự bất ổn nói trên, do chia rẽ nội bộ, trong đó có sự ra đi của nước Anh.

Hãy nhìn sang châu Mỹ. Ở các nước Mỹ Latin, nạn tham nhũng lan tràn, những tổ chức tội phạm, trong đó có bọn người kinh doanh ma túy, hoành hành tự do như ở nơi không có chính quyền. Những nước này tuy rất ít có khả năng gây ra hiểm họa chiến tranh thế giới, nhưng cũng có thể tạo ra những bất ổn đáng kể.

Dịch lên trên là Bắc Mỹ, gồm Hoa Kỳ và Canada. Đây là một trong hai khu vực văn minh nhất. Tuy nhiên, do ở Hoa Kỳ có những thế lực đối đầu nhau rất mạnh và có cả những thế lực ngầm chi phối chính trường và đời sống xã hội nên sự phát triển của đất nước này vẫn có thể có những khúc ngoặt không lường trước được. Đặc biệt, chiến dịch vận động bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cho thấy những kẻ khùng có thể thao túng chính trường. Chính tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cũng đã từng nói rằng vẫn có khả năng Donald Trump trở thành tổng thống. Ông nói đó sẽ là một sự điên rồ, nhưng trong hai nhiệm kỳ ông làm tổng thống, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự điên rồ khác.

Nếu Trump đắc cử tổng thống thì không hẳn đã là tai họa quá lớn, tuy nhiên, xã hội Mỹ sẽ càng phân hóa mạnh, trước hết bởi ngay trong chính quyền của ông này sẽ có những lực lượng bất tuân. Điều đó sẽ làm nước Mỹ yếu đi đáng kể (nhưng còn hơn là khi họ làm theo mọi ý muốn của Trump).

Một khi nước Mỹ và châu Âu mất đi vai trò hàng đầu trong việc duy trì sự ổn định của thế giới, các chính thể độc tài, các tổ chức tôn giáo cực đoan sẽ mặc sức tự tung tự tác. Chính quyền các quốc gia lớn với chính thể độc tài, đặc biệt là Trung Cộng, sẽ thả sức chèn ép các nước nhỏ.

Trở lại khu vực quanh biển Đông. Dưới thời các tổng thống trước, nhất là thời của Benigno Aquino III, Philippines là một khâu quan trọng trong vành đai chiến lược kiềm tỏa Trung Cộng về quân sự. Nay thì với kiểu cầm quyền tùy tiện và chính sách bỏ Mỹ đi với Tàu của Rodrigo Duterte, khâu quan trọng này không còn nữa, nếu không có những lực lượng đủ mạnh có thể tước quyền của Duterte. Đây là một thất bại nghiêm trọng của chính sách đối ngoại mà ông Obama theo đuổi suốt 8 năm trời, và cũng là thất bại của liên minh kiềm tỏa Trung Cộng. 

Với dân chúng Việt Nam ta, hy vọng có những người bạn có thể giúp tạo ra thế cân bằng và khả năng giữ được chủ quyền đang vô cùng mong manh, thậm chí có thể tắt ngấm trong nay mai. Tình hình càng trở nên vô vọng, khi nước láng giềng Cam Bốt đang ngày càng xích gần lại với Bắc Kinh. Nước bạn Lào ngày nay cũng có vẻ không còn tuyệt đối tin cậy được nữa. Với việc môi trường sống của người dân bị đầu độc khắp nơi, Việt Nam có lẽ đang là một trong những nơi bất hạnh nhất, kể cả khi kinh tế có tăng trưởng thật đi nữa.

Những tháng năm này hiện đang là khoảng thời gian mà viễn tượng đen tối bao trùm cả hành tinh một cách tệ hại chưa từng có.

NGUYỄN TRẦN SÂM

--------------------------------

Thứ Hai, ngày 19 tháng 9 năm 2016

(Le Monde 16/09/2016) Rời xa khỏi đường hướng của những người tiền nhiệm - dựa vào Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho đất nước - tổng thống Philippines nói rằng sẵn sàng mua vũ khí của Trung Quốc và Nga. Lên nhậm chức vào ngày 30/6, Rodrigo Duterte nhắc lại ý định tiến hành một chính sách đối ngoại « độc lập », và như vậy đã làm phương hại đến liên minh với Washington.

Từ khi ký kết hiệp ước quốc phòng năm 1951, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Philippines 75% số vũ khí, theo số liệu của Viện nghiên cứu quốc tế vì hòa bình Stockholm. Nhưng ông Duterte muốn từ nay mua vũ khí « ở nơi nào không đắt, và không đòi điều kiện minh bạch ».

Dưới mắt của nhân vật quyền lực mới ở Manila, mối đe dọa lớn nhất không phải là sự tăng cường năng lực quân sự của láng giềng Trung Quốc. Ông Duterte nói hôm 13/9 trước các tân binh trẻ: « Tôi không cần phi cơ tiêm kích hay F-16. Chúng ta không dự tính đánh nhau với nước nào cả ».

Với kiểu cách phát ngôn của mình, Rodrigo Duterte đã chứng tỏ ông ta không hề ưa người Mỹ. Từ đầu tháng Tám - một tháng sau khi bước vào Dinh Tổng thống Malacanang - ông ta đã lăng mạ đại sứ Mỹ là « đồ chó đẻ », và một tháng sau đó đã dùng cụm từ tương tự với tổng thống Barack Obama, trong khi biết sử dụng giọng điệu hòa dịu hơn với các lãnh đạo Trung Quốc.

Đây không chỉ là sự cường điệu. Ông Duterte hôm thứ Ba 13/9 loan báo sẽ không cho phép tuần tra chung tại Biển Đông với các « cường quốc nước ngoài », ý nói hạm đội Mỹ mà hải quân Philippines đã cùng tổ chức tuần tra trên biển kể từ mùa xuân.

Đối với ông, mối đe dọa hàng đầu của Philippines không phải là Trung Quốc, mà là sự hiện diện của các nhóm vũ trang ở Mindanao, hòn đảo lớn phía nam. Đặc biệt là nhóm khủng bố Abou Sayyaf, vốn đã tuyên thệ trung thành trước hết với Al Qaida, và sau đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và tiến hành bắt cóc các thường dân, cướp các tàu chở hàng, và phục kích quân chính phủ.

Từ năm 2002, và từ lúc khởi sự « cuộc chiến chống khủng bố » sau các vụ tấn công ngày 11 tháng Chín năm 2001, Washington gởi các cố vấn quân sự đến vùng đất này của Philipppines. « Tôi không muốn bất hòa với Hoa Kỳ, nhưng họ phải ra đi » - ông Duterte nói hôm 13/9.

Trong sáu năm cầm quyền trước đó, từ 2010 đến 2016, người tiền nhiệm Benigno Aquino đã nỗ lực xích lại gần Washington, mà ông coi là thành lũy chống lại sự leo thang của người láng giềng Trung Quốc. Một hiệp ước được Tòa án Tối cao Philippines phê duyệt hồi tháng Giêng, đã cho phép mở cửa năm căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ, tại đây quân Mỹ có thể đồn trú và xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Chính là dưới thời ông Aquino mà Manila đã kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Trong phán quyết được tuyên vào tháng Bảy -khoảng hơn một tuần sau khi ông Duterte lên nắm quyền - Tòa án đã vô hiệu hóa lý lẽ chính của Trung Quốc. « Tôi sẽ không vận dụng đến phán quyết trọng tài hiện nay » - ông Duterte đã tuyên bố như thế hôm 29/8 với đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua).

Vừa thực dụng vừa mị dân, ông Duterte biết rằng Bắc Kinh nắm chiếc chìa khóa để thực hiện những dự án kinh tế nhanh chóng, dễ phô trương. Ngay từ lúc vận động tranh cử, ông Duterte đã nói với Trung Quốc : « Hãy xây dựng cho chúng tôi một tuyến đường sắt như đã làm ở châu Phi và tạm thời gác lại những bất đồng ».

Người Trung Quốc lại càng hài lòng hơn với lời kêu gọi đã phá vỡ « chính sách xoay trục » của Hoa Kỳ tại châu Á, chủ trương mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi là ý định ngăn chận sự cất cánh của mình.

Sau khi yêu cầu cựu tổng thống Fidel Ramos đi chơi gôn với các quan chức Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Duterte nhanh chóng gởi một phái đoàn đến Bắc Kinh. Quan hệ đôi bên« đang trong một bước ngoặt mới » - thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) hôm 13/9 đã nhận định như vậy trước phái đoàn.

Dù vậy Bắc Kinh vẫn chưa thật an tâm, trước thái độ « sớm nắng chiều mưa » của tổng thống Philippines, mà sau vài tháng cầm quyền, đã chứng tỏ là « sư tổ ».




No comments:

Post a Comment

View My Stats