Tuesday 18 October 2016

"ZUMWALT" : BẢO BỐI MỚI NHẤT CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 18-10-2016 
.
Tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) chạy thử nghiệm trên Đại Tây Dương, 07/12/2015.Wikimedia by U.S. Navy
.
Hải Quân Hoa Kỳ vừa được trang bị một loại tầu chiến tối tân nhất trên thế giới. Một sự kiện được ông Ray Mabus, bộ trưởng bộ Hải Quân Mỹ đánh giá là một « bước đại nhảy vọt » cho Hải Quân nước này. Báo Le Monde số ra ngày 18/10/2016 hóm hỉnh chạy tựa « Với Zumwalt, Hoa Kỳ đóng phim ‘Star Trek’ trên biển ».

Một sự ví von không phải là vô cớ. Vì chỉ huy chiếc tàu chiến mới toanh này tên là James Kirk, trùng tên với nhân vật chỉ huy tàu không gian Enterprise trong bộ phim truyền hình khoa học giả tưởng « Star Trek ». Một sự trùng hợp kỳ lạ !

« Zumwalt » là tên của chiếc tầu khu trục DDG-1000 vừa được hạ thủy hôm thứ Bảy 15/10/2016. Ngược với các kiểu thân tàu truyền thống, tầu khu trục mới này có hình dạng như một đầu mũi tên và theo hình tháp (thân tầu rộng ở phía dưới và hẹp dần ở bên trên).
Tầu được trang bị 80 bệ phóng tên lửa, pháo 155mm có thể đánh sâu vào trong đất liền đến 100km. Những « nòng pháo thủy quân nặng nhất được thiết kế từ nhiều thập niên nay » như nhận định của Chris Cavas, chuyên gia cho báo Mỹ Defense News.

Việc hạ thủy chiếc Zumwalt đánh dấu những tiến bộ của Hoa Kỳ trước đối thủ Nga. Trang mạng của Pháp chuyên về Biển và Hải Quân tỏ ra ngạc nhiên về khả năng tàng hình của tầu khu trục này.  Tờ báo viết : « Theo Hải quân Mỹ, khả năng bị ra-đa phát hiện thấp đến 50 lần so với những tầu khu trục trước đây. Một ngư dân trong vùng Bath, từng gặp chiếc tầu này khi đang trên đường chạy thử, đã cho biết là trên màn ảnh ra-đa của ông, âm thanh do chiếc USS Zumwalt dội ra làm ông nghĩ đó chỉ là một chiếc tàu đánh cá cỡ nhỏ dài chừng 12-15 mét ».

Cái bẫy công nghệ

Ý tưởng đóng chiếc Zumwalt được phát triển dưới thời tổng thống Ronald Reagan trong những thập niên 1980. Nhưng công nghệ dành cho chiếc tầu khu trục này đã cho thấy có một sự đột phá mà Lầu Năm Góc đang muốn phát triển.

Với các động cơ chạy bằng điện cảm ứng, tàu có thể tạo ra 78 megawatt điện. Các động cơ cảm ứng đó còn cho phép phát triển các loại vũ khí điện từ trong tương lai : các loại pháo không cần thuốc nổ, có tầm bắn 400 km với tốc độ viên đạn bằng nhiều lần tốc độ âm thanh, hay như các loại vũ khí điều khiển bằng năng lượng như sóng vi ba và tia laser.

Điểm yếu nhất của chiếc tầu khu trục này là giá thành quá đắt. Hải quân Hoa Kỳ dự trù sở hữu 32 chiếc. Nhưng giờ đành phải chấp nhận có … 3. Với giá thành hơn 6 tỷ đô la một chiếc, chưa tính đến chi phí phát triển, chương trình trang bị loại tầu chiến vượt quá 20 tỷ. Năm 2009, bộ Quốc Phòng Mỹ đành phải dừng dự án quyết định ưu tiên tầu khu trục lớp Arleigh Burke, nhẹ hơn, tàng hình ít hơn, nhưng cũng hiệu quả và nhất là rẻ hơn.

“Tiền nào của đó”. Đối với mọi quân đội hiện đại, cuộc đua công nghệ còn là một cái bẫy. Ông Thibault Lamidel, chuyên viết blog « Le Fauteuil de Colbert » cho rằng : « Để có thể trả được những loại tầu chiến như thế, Hải Quân phải từ bỏ điều kiện ưu thế khác, số lượng và sự hiện diện. Ngày nay, Hải quân Mỹ có từ 320 – 340 chiến hạm, và lẽ ra họ phải cần đến ít nhất là 400 để trở thành một lực lượng Hải Quân toàn cầu hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới như mong muốn của Reagan ».

Đối với vị chuyên gia này, Zumwalt « vẫn chỉ là một bài thực hành công nghệ ». Do đó, Hải Quân Mỹ chưa đủ khả năng lật ngược mối tương quan lực lượng tại châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng đủ để gây ấn tượng trong « chính sách ngoại giao thủy chiến » nhắm vào Trung Quốc.

*
Duterte đến thăm người bạn lớn Trung Hoa
« Duterte đến thăm người bạn mới Trung Quốc » là hàng tựa thông báo trên Le Monde. Chuyến công du Bắc Kinh bốn ngày của tổng thống Philippines bắt đầu từ hôm nay, thứ Ba 18/10/2016 cho thấy quan hệ « Bắc Kinh và Manila đang tan băng » như nhận xét của nhật báo kinh tế Les Echos.
Một sự chuyển hướng chiến lược là nhận định chung của cả hai tờ báo. Ông Rodrigo Duterte muốn thiết lập các mối « liên kết » với Nga và nhất là với Trung Quốc, và tỏ ý rất « có thể phá vỡ » mối quan hệ với Hoa Kỳ. Điều đó còn thể hiện rõ qua thái độ ngưỡng mộ của ông đối với vị « chủ tịch lớn » Trung Quốc và không ngần ngại sỉ vả Barack Obama, bảo ông « chui thẳng xuống địa ngục ».
Thái độ quay ngoắc của ông Duterte đã gây lo ngại cho giới quan sát cũng như các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Một bộ phận chính khách Philippines lo sợ rằng với tính cách « bốc đồng » và giọng điệu hơi cực đoan, ông Duterte sẽ nhượng bộ Trung Quốc quá mức trên phương diện ngoại giao để tìm kiếm một sự hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế, đồng thời làm xấu đi chính sách phòng thủ mà Hoa Kỳ hứa giúp.
Cả Le Monde và Les Echos đều thấy rằng chuyến công du Trung Quốc của ông Duterte là « món quà trời cho » dành cho chính quyền Bắc Kinh, dù rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không mấy ưa thích gì tính khí thất thường của lãnh đạo Philippines.
Le Monde còn cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra hả hê khi nhìn thấy vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama, một trong những con cờ quan trọng trong chính sách « xoay trục sang châu Á » đã bất ngờ ngả theo Bắc Kinh và mắng mỏ tổng thống Hoa Kỳ.

*
Trung Quốc : Vết đau xã hội cho việc hiện đại hóa quân đội
Le Figaro nhìn sang Trung Quốc với cuộc biểu tình hiếm có của các cựu binh sĩ Trung Quốc ngay trước bộ Quốc Phòng trong tuần trước. Họ yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp hỗ trợ thỏa đáng cho những binh sĩ bị giải ngũ do chính sách hiện đại hóa quân đội mà ông Tập Cận Bình đưa ra. Nhật báo có bài giải thích đề tựa « Nỗi đau của quân đội Trung Quốc ».
Quân đội Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn có nhiều biến chuyến sâu sắc. Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo quân đội tối cao, vào tháng 9/2016 thông báo giảm 300.000 quân số, trong tổng số 2,3 triệu quân nhân. Một chương trình tái cấu trúc lớn nhất từ nhiều thập niên qua.
Mục tiêu là để tập trung hiện đại hóa hải quân và không quân. Quân đội Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều trên vùng Biển Đông, nơi mà nước này đã cho quân sự hóa nhiều bãi đá ngầm đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác trong khu vực, trong đó có cả Philippines.
Thế nhưng, chương trình phục viên các binh sĩ bị giải ngũ đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng kinh tế trì trệ và do việc chế độ cũng đang tìm cách tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thừa thải, dẫn đến việc sa thải hàng loạt người lao động. Đó là chưa kể đến việc do gặp khó khăn về kinh tế hay nạn tham nhũng, nên nhiều địa phương không áp dụng các chính sách do Bắc Kinh dự trù.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc đang trong vòng xoáy của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình đưa ra từ bốn năm nay. Hàng chục tướng lĩnh đã bị loại khỏi bộ máy quân đội do những hành vi hủ hóa ngông cuồng. Chiến dịch chống tham nhũng đó đã làm tê liệt nhiều quan chức cũng như nhiều định chế khác, khiến họ do dự không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Cuối cùng, quân đội cũng đang gánh chịu những hệ quả trực tiếp từ những khó khăn của nền kinh tế. Ngân sách dành cho quân đội chỉ tăng có 7,6% trong năm nay, mức tăng thấp nhất từ năm 2010, sau cú nhảy vọt 10% năm 2015 và 12,2% năm 2014.

*
Thái Lan để tang nửa mùa ?
Trở lại vùng Đông Nam Á, Le Monde quan tâm đến tình hình đất nước Thái Lan trong giai đoạn tang lễ, khóc thương quốc vương Bhumibol mà họ tôn sùng như vị thánh vừa qua đời hôm 13/10/2016. Theo bài viết đề tựa « Tại Thái Lan, tang lễ và quan nhiếp chính », tác giả bài viết cho rằng lệnh để quốc tang chỉ « nửa vời ».
Tình cảm của người dân Thái Lan giờ đây pha lẫn giữa sự buồn bã và lo lắng cho tương lai đất nước. Nền dân chủ và chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu khi mà hoàng thái tử xin hoãn đăng quang một năm nữa ; khi mà quyền cai trị đất nước được tạm thời trao cho một vị nhiếp chính đã 96 tuổi, và từng là một cựu tổng tư lệnh quân đội ?
Đất nước Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc giữa tầng lớp tinh hoa và nông dân, giữa nông thôn và thành thị. « Cái tin quốc vương qua đời là một tin xấu thêm nữa » nhấn chìm một đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo quan sát của tác giả bài viết, việc yêu cầu để tang toàn quốc trong một năm mang mầu sắc nửa vời. Thủ tướng Thái và tổng tư lệnh quân đội yêu cầu các tụ điểm vui chơi giải trí giảm cường độ. Nhưng tại những khu phố sầm uất, như Patpong lễ hội vẫn tiếp diễn. Quốc vương qua đời, nhưng Bangkok phải sống !

*
Mossoul : Trận đánh đã mở màn !
Liên quân quốc tế và Irak mở chiến dịch tấn công quân thánh chiến để lấy lại thành phố Mossoul là tâm điểm thời sự quốc tế trên các báo Pháp. Le Monde trên trang nhất đưa hàng tít nhỏ : « Irak : Trận đánh Mossoul đã bắt đầu ».
Le Figaro có bài phóng sự đặc biệt dài 3 trang báo lớn « Ngay giữa lòng trận đánh Mossoul ». Đây cũng là tít lớn trên trang nhất. Đặc phái viên của tờ báo đã có dịp theo chân các chiến binh peshmerga người Kurdistan trong cuộc tấn công ở phía đông Mossoul.
Đánh thì được rồi đó, nhưng sau đó thì sao ? Đối với Le Figaro, đây mới chính là « Vấn đề gai góc sau thắng lợi quân sự ». Làm thế nào phân chia quyền và nguồn lực giữa các phe phái Shia, Sunni và Kurdistan ? Một thách thức chính trị lớn cần phải được giải quyết.
Với Libération, « Trận Mossoul : Liên Hiệp Quốc lo sợ dòng người tị nạn trong tuần ». Tờ báo dẫn lời điều phối viên nhân đạo của tổ chức quốc tế này, dự phóng khoảng 200.000 di tản trong « hai tuần tới ». Con số này còn có thể tăng lên đáng kể tùy thuộc vào tình hình các cuộc tấn công. Cuộc chiến này là cơ hội để người « Kurdistan và Ả Rập kết hợp » với nhau như quan sát của nhật báo công giáo La Croix.

*
Nobel : Châu Âu mất chất xám
Mùa giải Nobel đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đọng lại. « Nobel và rò rỉ tài năng châu Âu » là ghi nhận của ông Jean-Marc Vittori đăng trên tờ Les Echos. Trong số bảy nhân vật được trao giải Nobel sinh sống tại Hoa Kỳ, ngoại trừ Bob Dylan là sinh ra ở Mỹ, số còn lại, những nhà khoa học sáng giá đều được sinh ra tại châu Âu. Xem về tuổi tác của họ, có thể nói là các nhà khoa học đó đã phản ảnh được tiến bộ thời đại. Nhưng châu Âu vẫn trì trệ cản đường làm thất thoát các tài năng của mình.





No comments:

Post a Comment

View My Stats