Saturday 3 December 2016

GOLDMAN SACHS & ÔNG TRUMP (Lê Phan)




Lê Phan
December 3, 2016

Khi còn tranh cử, ứng cử viên Donald Trump có một loạt video quảng cáo về ngân hàng Goldman Sachs. Một trong những quảng cáo không xa ngày bầu cử, giọng của ông Trump vang lên trong khi màn hình chiếu một lô hình ảnh về Wall Street. Ông Trump diễn tả đó là “một cơ cấu quyền lực toàn cầu chịu trách nhiệm cho các quyết định kinh tế vốn đã ăn cướp từ giai cấp công nhân của chúng ta, tước đoạt hết tài sản của đất nước chúng ta, và bỏ số tiền đó vào túi của một số chỉ cỡ một chục đại công ty.” Thị trường chứng khoán New York, nhà tỷ phú George Soros và tổng quản trị của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs là những hình ảnh được chiếu lên trong khi ông Trump đưa ra nhận xét đó.

Cũng chỉ chưa đầy bốn tuần trước đây, ứng cử viên Trump đã cho chạy những quảng cáo tấn công bà Hillary Clinton, sử dụng hình của tổng quản trị Goldman Sachs là Lloyd Blankfein để chứng tỏ là ứng cử viên đảng Dân Chủ thích các đại gia doanh nghiệp hơn là dân đen.

Nay tổng thống đắc cử Donald Trump vừa mới đề cử một giám đốc của Goldman và một người đồng đầu tư với ông Soros để lãnh đạo chính sách kinh tế của ông.

Với việc đề cử ông Steven Mnuchin, một nhà mại bản của Goldman Sachs nay là quản trị viên của một quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge fund) và một nhà đầu tư cho Hollywood, làm bộ trưởng tài chánh, lãnh đạo của chính sách kinh tế mới đang hiện hình ở Washington.

Ông Mnuchin sẽ tham gia cùng ông Wilber L. Ross Jr., được mệnh danh là “Vua phá sản” vì chuyên đầu tư vào các công ty phá sản, được đề cử để cầm đầu Bộ Thương Mại, và ông Todd Ricketts, chủ nhân của Đội Chicago Cubs, được chọn là thứ trưởng thương mại. Tất cả đều là những người cực kỳ giàu có và họ sẽ được lãnh đạo bởi tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ cũng là một tỷ phú.

Sự việc rằng hai nhà mại bản – các ông Mnuchin và Ross – sẽ chiếm hai chức vụ quan trọng nhất về kinh tế trong tân chính phủ sẽ là một chỉ dấu mạnh mẽ là ông Trump dự định nhấn mạnh đến một chính sách thân thiện với Wall Street, như cắt giảm thuế nhất là thuế cho nhà giàu, và nới lỏng các luật lệ được đặt ra sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2007 để giới hạn bớt sự quá độ của các ngân hàng.

Nhưng đại diện cho Goldman trong chính phủ Trump còn có ông Steve Bannon, vốn khởi đầu sự nghiệp là một nhân viên của ngân hàng trước khi chuyển sang báo chí. Trong khi đó, những nguồn tin thân cận của tân chính phủ còn cho biết là Chủ tịch của Goldman, ông Gary Cohn đang có triển vọng sẽ tham gia tân chính phủ với tư cách là giám đốc Tổ Chức Quản Trị và Ngân Sách, cơ quan điều hành ngân sách liên bang.

Thực ra so với hai vị bộ trưởng tài chánh xuất thân từ Goldman trước đây thì ông Mnuchin không nổi bằng. Ông Robert Rubin, bộ trưởng tài chánh dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, là đồng chủ tịch của Goldman, và ông Hank Paulson, bộ trưởng tài chánh dưới thời Tổng thống George W. Bush là tổng quản trị giữa các năm từ 1998 đến 2006. Ông Paulson vừa ra khỏi Goldman thì lại vào chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh mà nhiều người bảo là do chính sự quá độ của các ngân hàng đầu tư gây nên.

Ông Mnuchin trở thành một partner ở Goldman năm 31 tuổi, trong nhiều năm điều hành việc buôn bán chứng khoán địa ốc, công khố phiếu Hoa Kỳ, thị trường tiền và công trái của các thành phố. Sau cùng ông lên đến giám đốc thông tin của ngân hàng. Ông lưu lại Goldman 17 năm, cũng có thể coi đó là một ngân hàng nhà vì cha và anh của ông cũng làm việc ở đó.

Rời Goldman năm 2002, ông quay sang làm ăn ở California, đặc biệt là đầu tư vào Hollywood, trở thành ông bầu cho những cuốn phim tốn tiền như Batman v. Superman: Dawn of Justice, Mad Max: Fury Road và American Sniper.

Ở Wall Street, ông Mnuchin nổi tiếng về vụ mua IndyMac. Kết tụ những nhà đầu tư nổi tiếng trong đó có ông George Soros, ông đã thu xếp vay nợ qua Ngân hàng Merril Lynch và đóng vai tổng quản trị. Ngân hàng này được mua với giá 1.5 tỷ đô la từ quỹ FDIC của chính phủ, trong một giàn xếp để giúp cứu nguy nền kinh tế Hoa Kỳ, theo đó, quỹ bảo hiểm quốc gia FDIC đồng ý sẽ đền bù cho những thiệt hại trong tưong lai trên một định mức nào đó. Ngân hàng này, được đổi tên là OneWest, đã nhanh chóng trở lại làm ăn khấm khá nhưng cũng trở thành nổi tiếng cho việc nhanh chóng siết nợ nhà những ai trễ hạn trả tiền. Năm 2009, một thẩm phán ở New York đã gọi hành động của OneWest là “khắc nghiệt, ghê tởm, tạo cú shock, và gớm ghiếc.”  OneWest nói họ “rất kính nể phải bất đồng ý kiến” với tòa. Hai năm sau, những người biểu tình đã tuần hành trước “dinh thự” của ông Mnuchin ở Los Angeles cáo buộc OneWest về lối siết nợ hăng say của họ.

Trong giai đoạn do ông Mnuchin cầm đầu, OneWest siết nợ 36,000 căn nhà, theo liên minh tái đầu tư California, một nhóm tranh đấu cho quyền sở hữu địa ốc. Sau cùng họ bán OneWest cho Tập đoàn CIT với giá $3.4 tỷ. Theo Wall Street Journal, họ lời ngon lành $3 tỷ vì sau khi mua, để giúp cho ngân hàng mới họat động, FDIC đã bù lỗ cho OneWest $1 tỷ.

Đến tờ Journal cũng phải nhận xét “Cũng như những người mà ông Trump đã chọn vào nội các, ông Mnuchin có một tiểu sử thật là đối nghịch với hầu hết luận điệu dân túy mà tổng thống đắc cử sử dụng trong chiến dịch tranh cử.”

Những gì ông Mnuchin tuyên bố trong mấy ngày sau khi được đề cử cho thấy ông chủ trương một chính sách hủy bỏ những giới hạn của đạo luật Dodd-Frank nhằm cải tổ hệ thống tài chánh theo sau cuộc khủng hoảng năm 2008, đặc biệt là điều thường được gọi là Volcker Rule, tức là điều lệ Volcker. Điều lệ này cấm các ngân hàng làm một số những đầu tư quá mạo hiểm với đồng vốn của chính họ. Hôm Thứ Tư, trên đài CNBC, ông Mnuchin tuyên bố “Tôi muốn nói vấn đề số một của Volcker Rule là nó phức tạp quá và người ta không biết làm sao diễn dịch nó. Thành ra chúng tôi sẽ nhìn xem nên làm gì với tất cả Dodd-Frank.”

Bên Dân Chủ đã bắt đầu lên tiếng về những đề cử này của tổng thống đắc cử. Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin, Dân Chủ tiểu bang Wisconsin, trong một bức thư ngỏ gửi ông Trump hôm tuần rồi, đã khuyến cáo ông đừng nên đưa vào nội các của ông những nhà ngân hàng của Wall Street, mà bà bảo chả khác gì “đưa chồn về giữ chuồng gà.”

Thực ra chúng ta cũng còn phải chờ xem những nhân vật này vào việc thì mới biết họ sẽ làm gì. Những lo sợ sớm về việc mở cửa cho các ngân hàng để họ tạo nên một cuộc khủng hoảng mới có lẽ chưa phải lúc.

Như Giáo Sư Simon Johnson, giáo sư về kinh tế toàn cầu và quản trị của trường Sloan về kinh doanh của Viện đại học MIT, nhận xét,  những nhân vật của Goldman Sachs “rõ ràng là những người rất có tài và họ đã trải một thời gian dài và khó khăn để xây dựng liên hệ. Họ đã biết trước những đối thủ của họ là trong tài chánh quan trọng nhất là quan hệ, và cách nào để đưa mình vào một vị trí tốt. Cái việc kinh doanh chính quyền rất có lời, và họ rất giỏi trong công việc đó.”

Nhưng riêng về Goldman Sachs thì chúng ta biết nhiều hơn. Hồi năm 2010, ông Matt Taibbi của tạp chí Rolling Stone viết “Việc đầu tiên mà bạn cần biết về Goldman Sachs là nó ở bất cứ mọi nơi. Ngân hàng đầu tư mạnh nhất thế giới là một con mực vampire hút máu to lớn đã bám chặt lấy bộ mặt của nhân loại, không ngừng đút ống vào hút tất cả những gì có mùi tiền.”

Nói vậy thì cũng hơi quá, nhưng quả những “cựu sinh viên” của Goldman có mặt khắp nơi, một hệ thống mà như tờ Financial Times chỉ ra, vượt khỏi biên giới Hoa Kỳ. Thống đốc ngân hàng trung ương Anh Quốc, ngân hàng Anh Quốc, là một cựu sinh viên Goldman. Thống Đốc ngân hàng trung ương Âu Châu Mario Draghi cũng đã từng làm việc ở Goldman. Thống Đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp Petros Christodoulou cũng là cựu sinh viên Goldman. Mùa Hè vừa qua, cựu chủ tịch của Ủy Hội Âu Châu, tức là chính phủ của Liên Hiệp Âu Châu, ông José Manuel Barroso, nhận chức chủ tịch không điều hành của Goldman Sachs International, chi nhánh lớn nhất của ngân hàng bên ngoài Hoa Kỳ. Cựu Thủ Tướng Romano Prodi của Ý và cựu chủ tịch Ủy Hội Âu Châu cũng có thời làm việc cho Goldman.

Chưa hết, Thủ Tướng Benyamin Netanyahu cũng là một cựu nhân viên của Goldman Sachs. Bên thế giới Hồi Giáo, phó Thủ Tướng Ziad Bahaa-Eldin của Ai Cập cũng đã từng làm cho Goldman.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, ông Malcolm Turnbull, đương kim thủ tướng Úc cũng đã học nghề ở ngân hàng.

Thành ra khi tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ quay sang chọn các nhân vật của ngân hàng thì cũng chả có gì lạ.

Dĩ nhiên, cũng phải xin thêm là ông Mnuchin chưa có thể bảo đảm một trăm phần trăm là sẽ trở thành bộ trưởng tài chánh thứ 77 của Hoa Kỳ. Các nhà bình luận đều tiên đoán là các cuộc điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận sẽ “rất chông gai,” nhất là khi ông có liên hệ với ngân hàng, cũng như vụ IndyMac, vốn là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ tư trong lịch sử Hoa Kỳ.

Các nhà bình luận cũng chỉ ra là tổng thống đắc cử đã khá liều lĩnh khi rõ ràng lật ngược lại lập trường trước đó của ông. Trong khi vận động, ông đã xỉ vả bà Clinton là tay sai của Goldman và các ngân hàng chỉ vì bà nhận tiền đọc diễn văn cho nhân viên của ngân hàng nhờ tiết lộ của WikiLeaks qua bàn tay lông lá của điện Kremlin. Ông cũng cáo buộc ông Ted Cruz, đối thủ bên trong đảng Cộng Hòa của ông là bị “kiểm soát” bởi ngân hàng.

Giáo Sư Johnson của viện đại học MIT thì bảo “Có nhiều thay đổi trong kỳ bầu cử lần này. Nhưng ngược lại, mọi sự vẫn vậy.” Đúng là “Plus ca change, plus c’est la même chose.”




No comments:

Post a Comment

View My Stats