Monday 27 February 2017

HƯỚNG VỀ CÁCH NGHĨ HIỆN ĐẠI (FB Vương Trí Nhàn)





Trên trang “Tuổi trẻ hôm nay 21-2-2017, có bài viết mang tên "Thầy ơi, em phải theo ai?"
Tuy xuất phát từ câu hỏi của một học sinh hỏi thầy khi cha mẹ em ly dị, nhưng bài viết của người giáo viên này tập trung vào cái ý ca ngợi những gia đình có lối sống tạm gọi là cổ điển, tức là mọi thành viên luôn luôn sum họp trong bữa cơm hàng ngày. 

Xin trích :

Vẫn biết “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng hằng năm phải đối diện với những tình huống trớ trêu như thế này, thật sự tôi quá xót xa cho các em. Và mang tâm trạng trăn trở đó, tôi như gửi gắm vào các em học sinh lớp 9 bài giảng “Quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân gia đình”.

Sau này, các em lớn lên, dù bận rộn đến mấy cũng phải cố gắng lo bữa cơm gia đình với những người thương yêu nhất của mình. Nếu thiếu vắng thường xuyên bữa cơm gắn kết ấy, chính là dấu hiệu rạn nứt mái ấm.

Bữa cơm gia đình có thể đạm bạc, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mọi thành viên. Khi đi chợ, người mẹ sẽ suy nghĩ hôm nay nhà sẽ dùng món gì, mẹ sẽ lựa thịt cá tươi ngon, rau quả sạch sẽ, rồi nấu vừa khẩu vị cả nhà, mẹ đặt trọn tấm lòng của mình khi chế biến...

Ca dao nước ta có câu rất thấm thía: “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Chỉ là những món ăn đơn sơ, giản dị thôi, nhưng chất chứa trong đó là tình thương của cha, tấm lòng của mẹ ... Tình thương gia đình sẽ được nuôi dưỡng hòa chung với dòng chảy của tình quê hương đất nước khi con lớn khôn là như vậy..."

CÁC GIA ĐÌNH THỜI NAY ĐÃ SỐNG KHÁC

Nghe qua, cảm thấy người giáo viên ở đây rất có trách nhiệm với công việc của mình. Và hệ thống giáo dục công dân của ta đi những bước đi rất hợp lý, dùng tình yêu gia đình để giáo dục lòng yêu nước.

Song tôi lại nhìn thấy ở đây một ví dụ về sự cổ lỗ của nền giáo dục nước ta và những quan niệm về cá nhân và gia đình đang chi phối toàn xã hội vốn lưu cữu từ lâu mà chúng ta phải vượt qua nếu như muốn sống thích hợp với xu thế phát triển.

Giống như nhiều người chúng ta nhận thức của người giáo viên ở đây là dừng lại ở một quan niệm về gia đình cũ. Trong các gia đình VN thời kinh tế tiểu nông, sự hòa hợp hiểu theo nghĩa rất đơn giản “Trên đồng cạn dưới đồng sâu – Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”. 

Vì thế mới có cảnh tượng mà người giáo viên ở trên đã nêu “Cảm giác hạnh phúc, sự ấm áp, tình yêu thương... những điều này chúng ta chỉ có thể cảm nhận được khi quây quần bên mâm cơm gia đình, rồi vợ chồng con cái chia sẻ thức ăn cho nhau, trò chuyện vui vẻ cùng tiếng cười sảng khoái...”

Ngược lại, không nói ở đâu xa, ở TP HCM hiện nay rất nhiều gia đình trong khi thích ứng với đời sống hiện đại, đã sống khác hẳn cái mẫu cổ điển. 

Giống như con người ở các xã hội hiện đại, họ phải gồng lên mà sống. Sáng sáng vợ chồng con cái mỗi người mỗi ngả. Trưa, gặp đâu ăn đấy. Chỉ có buổi tối, cả gia đình mới sum họp, và không phải bao giờ cũng là những món ăn do gia đình nấu lấy mà là mua của các cửa hàng bán sẵn. 

Ý của người giáo viên muốn khuyên các em sẽ hiểu hết “tất cả tấm lòng của cha mẹ qua những món ăn mà cha mẹ chuẩn bị” sẽ chỉ làm các em thất vọng và sự thực là quá ngây thơ và đơn giản với nghĩa ngày nay rất khó thực hiện. 

 Cảm thấy hết nếp sống lạc hậu của xứ mình, các gia đình trẻ hiện nay sống theo mẫu các nước phương Tây ngày càng nhiều mà hạt nhân của lối sống này là nâng cao năng suất lao động, và đạt tới trình độ nghề nghiệp ngày một cao của mỗi cá nhân, xem đó là một trong những yếu tố chính gắn kết gia đình.

Đồng ý là các gia dình loại này cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giáo dục lớp trẻ, mà xã hội ta đang không biết làm gì để giúp họ. Nhưng xu thế thời đại là loại gia đình này sẽ phát triển.

Thu nhập thích đáng của các thành viên sẽ là nguồn bảo đảm cho đời sống gia đình mà cũng là nguồn kích thích để họ nêu gương cho con cái chăm chỉ lao vào chuyên môn như họ . Cái tình trạng trong một gia đình những người phụ nữ tần tảo lo việc nấu nướng, rồi “người cha, những đứa con sẽ cố gắng thu xếp công việc, chuyện học hành, để về nhà sớm, thưởng thức bữa cơm nóng hổi bên nhau ‘ – như trong bài trên đã nêu -- đang ngày càng hiếm hoi và không hợp với nhu cầu thời đại. Nó không giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua tình trạng tụt hậu hiện thời

TẠI SAO LẠI CÓ LỐI GIÁO DỤC NÀY?

Chúng ta đang nói với nhau quanh chủ đề lớp trẻ đang tuổi đến trường và các gia đình hiện đại. 

Nên quan niệm sao về loại gia đình này? 

Sự gắn kết trong các gia đình đó hôm qua là gì và hôm nay là gì? Vai trò người phụ nữ trong gia đình đó như thế nào?

Vậy chúng ta phải giáo dục lớp trẻ ra sao để chúng thích ứng với loại gia đình đó? 

Đây là câu hỏi cả xã hội quan tâm chứ không phải chỉ ngành giáo dục, song ngành giáo dục lại có trách nhiệm trả lời trước hết.

Trong một bài viết trên FB đầu 2016, tôi đã có lần nói về nội dung cổ lỗ của các bài văn trong sách giáo khoa tiểu học. 

Qua bài viết của nhà giáo đầy tâm huyết hôm nay, tôi lại cảm thấy cái tình trạng ấy thấm vào nhiều người chúng ta và trong cách triển khai các bài giảng, tự chúng ta đang tạo nên sự xa cách với lớp trẻ, nếu không muốn nói rằng ta chỉ làm cho trẻ sống khó khăn hơn với cuộc sống hiện đại.

Sở dĩ có tình trạng ấy vì chúng ta trước hết là những người làm sách và những người quyết định nội dung giáo dục thiếu cảm giác về sự thay đổi trên đất nước ta mấy chục năm nay, kể cả sự thay đổi của các gia đình, nhất là các gia đình ở đô thị. 

Ta vẫn viết sách, vẫn giảng bài, vẫn để hết tâm huyết để thuyết minh cho những điều vốn hình thành ở xã hội và chuyển vào nền giáo dục miền Bắc trước 1975 và đến nay đã trở thành lạc hậu. 

Ta thường đánh giá giáo dục báo chí hay khoa học xã hội nói chung bằng tiêu chuẩn sai đúng, nhưng chính "hiện đại hay cổ lỗ" mới là tiêu chuẩn chính xác nhất. Bởi cái có tương lai mới là cái đúng lâu dài. Tôi đã nói kỹ về điều này trong bài viết “Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc"

10 THG 12, 2014
Đã in  tạp chí NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN
số 7-8 (114-115).2014, 
số chuyên đề GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM (1954- 1975)
VUONGTRINHAN.BLOGSPOT.COM

----------------------------------

TÀI LIỆU về GIÁO DỤC VIỆT NAM

Sunday, 18 January 2015
.
Sunday, 18 January 2015
.
Tháng Một 18, 2015






No comments:

Post a Comment

View My Stats