Monday 20 March 2017

KHI ĐẠO DIỄN HOLYWOOD LÀM ĐẠI SỨ DU LỊCH VIỆT NAM (Cát Linh - RFA)




Cát Linh, phóng viên RFA
2017-03-20

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vào chiều ngày 9 tháng 3 chính thức trao quyết định chọn ông Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn phim Kong: Skull Island, làm đại sứ du lịch Việt Nam với hy vọng sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho “sự phát triển đột phá của du lịch và điện ảnh Việt Nam”.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts tham dự buổi ra mắt bộ phim Kong: Skull Island tại Nhà hát Dolby, Hollywood, Los Angeles, ngày 8 tháng 3 năm 2017. AFP Photo

Những điểm son

Trước tiên, nên hiểu một vấn đề, Kong: Skull Island, không phải là phim điện ảnh đầu tiên được ghi hình ở Việt Nam. Quay ngược thời gian trở về trước, có "L’amant" ("Người tình", 1991) thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long với bến phà Cát Lái.

Sau đó là Indochine 1992 thực hiện ở  Huế, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Năm 2002, Người Mỹ trầm lặng là tác phẩm đầu tiên của điện Mỹ quay tại Việt Nam sau năm 1975 với 50% cảnh quay ở Hội An, Ninh Bình, Hà Nội và TP HCM. 2006, tại Hà Nội, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Sapa là nơi thực hiện bộ phim được giới điện ảnh gọi là “Brokeback Moutain phiên bản nữ”: Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc.

Không thể không kể đến Pan với một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long và Tràng An (Ninh Bình).

Và cuối cùng, năm 2017, sau gần 20 năm, điện ảnh Holywood quay trở lại Việt Nam với bộ phim bom tấn Kong. Nói chính xác, đây là phim đầu tiên có đến 70% bối cảnh quay tại Việt Nam và kinh phí thực hiện ước chừng 190 triệu USD. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể hiểu vì sao giới sành phim gọi Kong là phim bom tấn.

“Đấy là một bộ phim khổng lồ về chuyên nghiệp, phương tiện, về mọi thứ, và đồng thời là về truyền thông. Họ chi ra một số tiền… để làm phim thì cũng bỏ ra một số tương đương để làm truyền thông. Đó là vấn đề không ai bì lại được với Holywood cả.”

Sau khi hoạ sĩ Vũ Huy, người tham gia trực tiếp vào bộ phim Kong với vai trò là hoạ sĩ thiết kế đưa ra nhận xét trên, ông bày tỏ về điều mà ông cho rằng là điểm tốt khi các nhà làm phim nước ngoài quay lại Việt Nam.

“Cái tốt đầu tiên đối với điện ảnh Việt Nam đó là đội ngũ những người làm phim trẻ, đặc biệt là trẻ sẽ được tiếp cận với cách làm phim chuyên nghiệp của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng.
Đồng thời sẽ có nhiều nền điện khác trên thế giới quan tâm, vì họ sẽ tìm được những đề tài họ khai thác. Đấy là một dịp thị trường điện ảnh Việt Nam có cơ hội, có một chút gì đó tên tuổi trên bản đồ điện ảnh thế giới.”

Một nữ đạo diễn sân khấu nổi tiếng của Việt Nam hiện đang sống và làm việc ở miền Nam nước Mỹ cũng cho rằng đấy là một bắt đầu tốt.

“Đầu tiên thì tôi khen nhà nước được một câu đó là ít ra đã chịu bắt tay làm việc còn hơn quá khứ không để cho 007 hay những phim khác không được quay trên đất Việt Nam, phải đi mướn Philippines để giả Việt Nam. Đó là điểm son đáng khen.”

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (trái) và nữ diễn viên Brie Larson tại cuộc họp báo về phim Kong: Skull Island tại Hà Nội hôm 21/2/2016.AFP photo

Khó thu hút về Điện ảnh

Với nhận định trên của đạo diễn và người làm phim chuyên môn ở Việt Nam, việc mời một đạo diễn Holywood có sản phẩm bom tấn vừa công chiếu làm Đại sứ du lịch Việt Nam thì ắt hẳn là một bước tiến đáng mừng.

Tuy nhiên, việc chỉ một ngày sau khi Kong được ra mắt ở Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin và Du lịch quyết định đưa ra lời mời và nhận được cái gật đầu đồng ý của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng câu nói đây là một vinh dự rất lớn mà chưa bao giờ ông có, làm cho họ có sự âu lo, dè dặt: “Liệu có quá vội vàng hay không?”

Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trên truyền thông đã bày tỏ hy vọng đây là khởi đầu tốt đẹp cho sự phát triển đột phá của du lịch và điện ảnh nước nhà, nhưng theo hoạ sĩ Vũ Huy, cần có sự phân biệt rõ ràng. Nhìn ở góc độ cá nhân bộ phim có thể thu hút những người làm phim khác vì người ta sẽ thấy cảnh đẹp ở Việt Nam, cách làm kỹ xảo, thu được nhiều tiền, bán được nhiều vé và kinh phí quay phim ở Việt Nam như thế là hợp lý.

Thế nhưng, để thu hút những người làm điện ảnh thì sẽ hơi khó.

“Nếu thu hút điện ảnh thì anh chưa đủ tiếng nói. Tôi nghĩ rằng là cá nhân anh đạo diễn chắc là cũng chỉ là góp phần nào vào niềm vui, hân hoan của giới trẻ chứ còn để cho điện ảnh Việt Nam có cơ hội tốt lên thì cũng chỉ khoảng 10%, còn nhiều nỗ lực khác nữa.”

Lý do hoạ sĩ Vũ Huy đưa ra nhận được sự đồng ý của một nữ đạo diễn phim truyện nổi tiếng của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài, (không muốn nêu tên) và hiện đang thực hiện một số dự án ở Việt Nam:

“Thứ nhất là bộ phim không mới. Tầm quốc tế nó có, ở chỗ đồng tiền đầu tư, 180 triệu USD thêm tiền quảng cáo. Số tiền đó thể hiện đẳng cấp. Nhưng chất lượng có đẳng cấp hay không thì đó là tài năng của đạo diễn.
Thị trường Việt Nam cực kỳ nhỏ bé so với thế giới. mức độ đẹp nếu khai thác ở phim này rồi thì với phim khác cũng khó. Phim quay 80% ở đây thì thuận tiện về mặt sản xuất, nhưng quay ít hơn 20% mà để bay sang Việt Nam thì vấn đề sẽ khác.”

Buổi ra mắt phim Kong: Skull Island ấn tượng tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/3/2017 với xe cứu hỏa túc trực. AFP photo

Khó giới thiệu về du lịch Việt Nam

Trong thời điểm ra mắt phim Kong, theo lời đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ với báo giới rằng “Bộ phim này là một trong những bộ phim được chiếu trên quy mô toàn cầu nên tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực và trong thời gian tới sẽ rất nhiều người biết đến Việt Nam.”

Và đúng là như thế. Cả thế giới đang xem Kong. Truyền thông quốc tế nhắc đến phim Kong mấy tháng qua qua các trailer, hình ảnh quảng bá, dàn diễn viên nổi tiếng góp mặt trong phim…Từ đó, từng ngôi làng thổ dân ở Ninh Bình, cho đến địa danh Vịnh Hạ Long nổi tiếng đã vượt qua năm châu bốn bể đến với thế giới qua mật độ quảng cáo dày đặt và chuyên nghiệp của ê kíp làm phim đến từ kinh đô điện ảnh Holywood.

Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra từ nữ đạo diễn đang làm việc tại Việt Nam liên quan đến tình yêu dành cho Việt Nam của đạo diễn Jordan:

“Tôi đặt một câu hỏi rất lớn, đó là cậu ấy thật sự yêu Việt Nam hay không?”

Hoạ sĩ Vũ Huy, người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc thực hiện những bối cảnh phim Việt Nam, hiểu và thấm nhuần phong tục truyền thống của người Việt thì băn khoăn về quyết định của Bộ Văn hoá- Thông tin- Du lịch có hơi quá vội vàng?

“Có phải vì quá yêu Việt Nam nên anh ấy nhận lời? Chứ nếu nghiêm túc mà nói thì ảnh cũng không dám nhận lời vì ảnh chưa đủ hiểu cái Á đông nói chung chứ đừng nói đến nét riêng của người Việt Nam, những thế mạnh của du lịch Việt Nam, cái e ấp, cái đẹp bên trong…”

Hoạ sĩ Vũ Huy đặt ra câu hỏi liệu nếu không có những am hiểu về thuần phong mỹ tục, về văn hoá cổ truyền thâm thuý của người Việt thì làm sao người có vai trò Đại sứ du lịch có thể nói về cái duyên cái đẹp của Việt Nam đến với thế giới.

Có chăng, Việt Nam sẽ có được lời kêu gọi của đạo diễn Jordan với bạn bè các nước: Hãy một lần đặt chân đến Việt Nam!

Các diễn viên Samuel L. Jackson (phải), Tom Hiddleston (trái), nữ diễn viên Brie Larson (giữa), đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (thứ hai từ trái) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Asius (thứ hai từ phải) họp báo cho phim Kong: Skull Island tại Hà Nội ngày 21 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Phải làm gì?

Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam bày tỏ nhận định của ông về đầu tư cho điện ảnh ở Việt Nam còn ít sức hút. Ngoài ra, phải nói đến mặt khác biệt về thể chế, thể hiện qua khâu thẩm định, kiểm duyệt.

Qua email, ông cho chúng tôi biết ý kiến của ông về những vấn đề cần phải làm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như mong muốn:

“Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định phim; thực hiện có hiệu quả khi áp dụng khung phân loại phim trong thực tiễn.  Khác biệt thể chế là một thực tiễn mà trong quá trình hội nhập quốc tế. Việt Nam đang có những cố gắng để thu hẹp khoảng cách khác biệt thông qua các đàm phám cụ thể, trong việc giải quyết các công việc cụ thể khi có các đoàn làm phim đến Việt Nam.
Về phía các bạn quốc tế, cần có những tư vấn pháp lý trước, trong và sau quá trình làm phim, để hiểu được các quy định của phía Việt Nam.
Về thuế, Việt Nam phải có các ưu đãi về thuế thấp hơn cho đầu tư sáng tạo điện ảnh thay vì ngang bằng các lĩnh vực kinh doanh khác, có ưu đãi bằng chính sách hoàn thuế VAT cho các đoàn làm phim, hỗ trợ bằng tiền từ chính phủ cho các đoàn làm phim nước ngoài. Đây là các kinh nghiệm mà nhiều nước áp dụng. Về mặt hành chính, tiếp tục cải cách thủ tục cấp phép, thẩm định dự án. Về nâng cao năng lực, cần xây dựng đội ngũ hợp tác làm phim chuyên nghiệp, hiện Việt Nam đang rất thiếu. Đây là những vấn đề mới của Việt Nam.”

Đối với hoạ sĩ Vũ Huy, vấn đề quan tâm đầu tiên được ông đặt ra là bảo tồn di tích văn hoá, lịch sử bản địa.

“Một số nơi rất đẹp thì bằng cách nào hoặc cách khác dùng từ là tôn tạo chứ thật ra là phá hỏng hết. Đó là một thiệt hại với du lịch.”

Đây cũng chính là điều Tiến sĩ Lương Hồng Quang cho rằng cần phải lưu tâm đến:

“Trong việc bảo tồn di tích, lễ hội, các diễn xướng dân gian và nhiều hình thức thực hành văn hóa văn hóa khác, có một số di sản được coi là là điểm du lịch, ở đó, đã có những chỉnh sửa, nâng cấp, nâng tầm bằng việc mở rộng khu thờ tự, nâng tầm lễ hội với hy vọng thành “cấp” vùng, quốc gia. Quá trình di sản hóa này làm biến dạng di sản. Hiện đang có một ảo tưởng là biến di sản thành nơi “kiếm tiền” theo những cách thức không chuyên nghiệp, thương mại hóa di sản bằng mọi cách, hiện thì chưa tác động lớn đến nhóm du khách nội địa song không thu hút khách quốc tế bởi ít tính độc đáo.”

Qua chia sẻ của các đạo diễn và nhà làm phim trong, ngoài nước dành cho chúng tôi, có thể thấy rằng để phát triển nền du lịch nước nhà và thu hút điện ảnh thế giới đầu tư vào Việt Nam phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không riêng gì một Đại sứ Du lịch mang cuốn sổ thông hành của Holywood.




No comments:

Post a Comment

View My Stats